Từ đầu năm tới nay, tiền đồng đã mất giá hơn 2,5% so với đôla Mỹ, nhưng ở chiều ngược lại, VND tăng giá 8% so với EUR trong khi Mỹ và châu Âu là hai thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.
60-70% hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu thanh toán bằng đồng USD. USD đắt đỏ đang tạo áp lực chi phí với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hoá thanh toán bằng đồng bạc xanh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng thực phẩm từ Mỹ tại Hà Nội cho biết việc USD liên tục đi lên và tăng nhanh từ cuối tháng 6 đến nay, khiến các sản phẩm công ty nhập về bị tăng giá khoảng 1,5-2% (chưa gồm việc tăng giá chi phí vận chuyển, các chi phí khác). “Rủi ro về tỷ giá là hiện hữu, mỗi container hàng thực phẩm nhập về từ Mỹ, chúng tôi phải bù thêm 120-150 triệu đồng tiền chênh tỷ giá so với trước, mới đủ thanh toán cho đối tác”, ông cho hay.
Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty Thương Mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, cho biết hầu hết sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu tăng giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ do giá USD lên cộng hưởng chi phí vận chuyển tăng gấp đôi. Giá các sản phẩm thuỷ hải sản nhập khẩu đều tăng giá so với cùng kỳ trong khi người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu khiến doanh nghiệp “khó chồng khó”.
Cũng đang chịu tác động bởi giá USD tăng cao, chị Vy Oanh, giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu bò Mỹ ở TP HCM cho biết đang ở thế lưỡng nan khi chi phí đầu vào tăng cao trong 6 tháng đầu năm. Doanh nghiệp cũng chịu áp lực khi giá USD liên tục tăng trong khi đang phải vay đôla từ ngân hàng
Ở chiều ngược lại, nhà xuất khẩu hàng hoá được hưởng lợi khi đồng USD đi lên nhưng tác động không chỉ có một chiều. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn nhận, xuất khẩu dệt may sẽ hưởng lợi trong nửa cuối năm nếu giá đồng USD tiếp tục đi lên song Vinatex cũng sẽ có áp lực tăng chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Một điểm bất lợi khác theo ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc May 10, là rủi ro lỗ, lãi trong chênh lệch tỷ giá khi vay ngân hàng. Tức là, doanh nghiệp vay ngoại tệ ở thời điểm giá đồng USD đang rẻ, nhưng tới kỳ thanh toán trả nợ, đồng bạc xanh lại lên giá, dẫn tới doanh nghiệp phải chịu thêm khoản bù chênh lệch tỷ giá này.
Trong khi đó, sự mất giá của đồng EUR có tác động gián tiếp tới các nhà xuất nhập khẩu nhiều hơn.
Theo ông Phan Huy Thông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh, hầu hết hợp đồng của doanh nghiệp này thanh toán bằng đồng USD, ngay cả với khách hàng châu Âu, nên khi euro giảm giá, Phúc Sinh không bị ảnh hưởng. “Tỷ lệ thanh toán bằng đồng euro của chúng tôi rất nhỏ, chưa tới 0,1% giá trị các hợp đồng giao dịch, nên hầu như không bị tác động gì khi đồng tiền này giảm giá”, ông chia sẻ.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, hơn một nửa thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn này là sang Mỹ (52%), thị trường EU chỉ chiếm 12%, còn lại là Nhật, Trung Quốc và các thị trường khác. Các giao dịch mua, bán chủ yếu của doanh nghiệp sang EU được thanh toán bằng USD, nên ông Hiếu cho biết, việc giá euro rẻ đi không ảnh hưởng gì nhiều tới các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này.
“Hiện các giao dịch với đồng euro trong ngành dệt may chủ yếu là nhập máy móc, thiết bị… nên sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kết quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị”, ông Hiếu nói với VnExpress.
Mỗi tháng xuất khẩu bình quân 200.000 sản phẩm đi EU và thị trường khu vực này chiếm khoảng 30% hàng xuất khẩu của May 10, nhưng ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho hay, doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng bởi đồng euro rẻ đi. Thậm chí ông Việt nói, nhờ euro hạ nhiệt, các hợp đồng mua máy móc, thiết bị và một số nguyên phụ liệu cao cấp từ thị trường châu Âu cũng doanh nghiệp này có lợi về mặt tỷ giá.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho biết, hầu hết hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam được thanh toán bằng USD (tỷ lệ khoảng 60-70%) và chỉ khoảng 6-7% hợp đồng thanh toán bằng euro, mức tương đương bình quân các nước châu Á – Thái Bình Dương. Mức độ tác động việc đồng euro mất giá hay USD tăng nhiệt, tuỳ thuộc vào loại tiền doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng trong thanh toán, nhưng về tổng thể theo ông, không ảnh hưởng quá nhiều tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Không ảnh hưởng trực tiếp nhưng ông Cao Hữu Hiếu đánh giá, đồng euro mất giá so với USD sẽ khiến biên lợi nhuận của các nhà mua hàng giảm, dẫn tới họ sẽ có các động thái cắt giảm chi phí. Điều này chắc chắn sẽ gây nên những áp lực về giá với các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, trong đó có ngành dệt may, trong nửa cuối năm nay.
Đại diện Bộ Công Thương cũng nhận định, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.
Nhìn chung, trong rổ tiền tệ, đồng USD vẫn là biến số quan trọng nhất khiến doanh nghiệp và nhà làm chính sách phải lưu tâm. USD tăng giá sẽ tạo áp lực lên tỷ giá, lạm phát của Việt Nam.
Hiện nay, mức biến động của tỷ giá USD/VND vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý tiền tệ, nhưng tỷ giá liên tục tăng lại là tín hiệu không mấy khả quan khi nửa cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng USD tăng cao, ông Cấn Văn Lực chia sẻ.
Nói với VnExpress, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, lãi suất USD xu hướng tăng nhanh tạo ra tâm lý dịch chuyển dòng tiền vào đồng bạc xanh. Đồng tiền của nhiều quốc gia như EUR, yen Nhật… mất giá tới chục phần trăm.
Tuy nhiên, khi xem xét tương quan USD với các đồng tiền ở Đông Nam Á – vùng kinh tế trong quá trình tăng trưởng cao, thu hút dòng vốn bên ngoài vào lớn – theo ông Phước, đồng đôla không lên giá nhiều. Trong năm nay, ông Phước cho rằng đồng USD có thể tăng so với VND từ 3% đến 4%.
Lạm phát của Việt Nam thấp hơn và lãi suất cao hơn Mỹ là hai yếu tố căn bản tạo ra lợi thế của tiền đồng so với USD. Bên cạnh đó, GDP Việt Nam cũng tăng trưởng dự kiến cả năm đạt 7-7,5%, là điểm đến thu hút được dòng vốn bên ngoài. Các yếu tố căn bản này giúp cán cân thanh toán được củng cố, góp phần tăng cường dự trữ ngoại hối (hiện đang tương đương 14-15 tuần nhập khẩu) và Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp kịp thời, ông Phước đánh giá.
Bên cạnh đó, phần lớn các dự báo của các công ty chứng khoán cho đến thời hiện nay, cũng dự báo tỷ giá USD/VND tăng nhưng không vượt quá 3% trong năm nay. Yếu tố hỗ trợ tỷ giá được giới chuyên môn đồng thuận là nhờ bộ đệm dự trữ ngoại hối tốt giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa can thiệp.
Công ty chứng khoán MB (MBS) đánh giá Ngân hàng Nhà nước sẽ kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ bao gồm để tỷ giá VND/USD tăng nhẹ trong các tháng cuối năm, bán ra và mua vào USD phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường và hút bớt tiền đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng, tăng nhẹ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ sức mạnh tiền đồng và làm giảm áp lực lạm phát.
Các chuyên gia của MBS cho rằng sức ép giảm giá VND so với USD sẽ tăng hơn các năm gần đây song không đáng quan ngại. Theo quan điểm của MBS, Ngân hàng Nhà nước sẽ để VND giảm giá so với USD trong năm 2022 tùy thuộc vào điều kiện thị trường nhưng không quá 2% vào thời điểm cuối năm. Nhìn chung, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu do đó không có động lực hạ giá hay tăng giá VND quá mạnh nếu không chịu sức ép từ lạm phát quá mạnh hoặc từ môi trường kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến nghị các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn. Khi ký hợp đồng thương mại với đối tác, doanh nghiệp nên thương thảo việc áp mức trần hoặc sàn ngoại tệ thanh toán, để khi tỷ giá biến động tới các trần hoặc sàn, hai bên đều phải chịu chia sẻ rủi ro.
Quỳnh Trang – Thi Hà – Hoài Thu