Blockchain (chuỗi khối) được ví như sổ cái kỹ thuật số, giúp truyền tải dữ liệu và bảo mật thông tin. Công nghệ blockchain là một sổ cái phân tán (DLT) dùng để ghi lại các giao dịch giữa hai bên và được lưu trữ vĩnh viễn. Một blockchain tập hợp nhiều các khối dữ liệu riêng lẻ gồm các giao dịch liên quan và liên kết với nhau theo thứ tự nhất định. Tất cả các bên liên quan có thể chia sẻ với nhau thông qua “sổ cái” kỹ thuật số trên mạng máy tính mà không cần bất kỳ cơ quan trung gian nào.
Báo cáo “Ứng dụng Ngân hàng số tại Việt Nam khi lấy khách hàng làm cốt lõi” của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) phát hành tháng 6/2021 chỉ ra 5 ưu điểm lớn của DLT như sau:
Thứ nhất, giao dịch có thể được thực hiện không thể hủy ngang, thanh toán bù trừ và thanh toán có thể được lập trình gần như ngay lập tức, cho phép các nhà khai thác sổ cái phân tán tăng độ chính xác của dữ liệu giao dịch và giảm rủi ro thanh toán.
Thứ hai, các hệ thống hoạt động trên cơ sở ngang hàng và các giao dịch gần như chắc chắn được thực hiện chính xác, cho phép các nhà khai thác sổ cái phân tán loại bỏ giám sát và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và chi phí liên quan của chúng.
Thứ ba, mỗi giao dịch trong sổ cái được xác minh công khai bởi một cộng đồng người dùng mạng, chứ không phải bởi một cơ quan trung ương, làm cho sổ cái phân tán chống giả mạo; mỗi giao dịch được tự động quản lý theo cách khiến cho lịch sử giao dịch khó bị đảo ngược.
Thứ tư, hầu như bất kỳ tài liệu hoặc tài sản vô hình nào cũng có thể được thể hiện bằng mã có thể được lập trình hoặc tham chiếu bởi một sổ cái phân tán.
Thứ năm, một hồ sơ lịch sử có thể truy cập công khai của tất cả các giao dịch được tạo ra, cho phép giám sát và kiểm toán hiệu quả bởi những người tham gia, người giám sát và cơ quan quản lý.
Theo ông Đặng Minh Tuấn – Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, ở hệ thống ngân hàng, công nghệ blockchain có thể ứng dụng trong hệ thống đối soát các giao dịch liên ngân hàng để giảm tải thời gian và nhân lực. Chẳng hạn, một ngân hàng phải đối soát với 42 ngân hàng khác nhau, nếu ứng dụng công nghệ blockchain, việc đối soát sẽ được giảm thiểu cả về chi phí và thời gian xác thực giao dịch giúp cho công việc đối soát nhanh, thuận tiện hơn và chính xác cho các ngân hàng.
Bên cạnh việc đối soát, blockchain còn giúp kết nối với các hệ sinh thái khác như điểm thưởng liên kết giữa hệ thống ngân hàng và các dịch vụ cung cấp bán lẻ của các đơn vị khác như hàng không, siêu thị, viễn thông…
Thực trạng ứng dụng của blockchain tại các ngân hàng
Hầu hết các tập đoàn lớn về tài chính ngân hàng trên thế giới đã nghiên cứu sử dụng blockchain trong thanh toán. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) thậm chí nộp bằng sáng chế để giải quyết giao dịch dựa trên công nghệ blockchain. Ngoài ra, nhiều sàn giao dịch chứng khoán quốc gia, như Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq và Sàn giao dịch chứng khoán New York cũng đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ blockchain. Sàn Nasdaq công bố việc sử dụng công nghệ blockchain Nasdaq Linq để hoàn thành và ghi lại thành công các giao dịch chứng khoán.
Chính phủ một số nước cũng công bố các báo cáo về ý nghĩa của blockchain. Sự gia tăng của một công nghệ mới thường được đi kèm với sự tăng cường quản lý. Chính phủ Mỹ đã áp dụng cách tiếp cận “quy định trước, kinh doanh sau”; trong đó, các cơ quan quản lý của nước này có xu hướng hạn chế số lượng các lĩnh vực ứng dụng tiềm năng của công nghệ blockchain.
Được cho là xu hướng của blockchain, công nghệ eKYC được 1.125 ngân hàng trên toàn thế giới ứng dụng. eKYC được thực hiện trên nhiều công nghệ khác nhau, như dựa trên phân tích xử lý hình ảnh, thông qua đọc thông tin căn cước công dân gắn chíp. Phương thức này có thể kết hợp với blockchain nhằm tăng tính an toàn của hệ thống và sự minh bạch.
Tại Việt Nam, tuy còn một số hạn chế nhưng blockchain cũng được nhiều ngân hàng ứng dụng, trong đó có MB. Cụ thể, vào tháng 12/2021, sau thời gian thử nghiệm, MB chính thức đưa vào áp dụng và gia nhập mạng lưới Contour triển khai thương mại dịch vụ thư tín dụng (L/C) ứng dụng công nghệ blockchain.
Dịch vụ L/C ứng dụng blockchain của MB cho phép thực hiện toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ, từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C trên cùng một mạng lưới Contour. Dịch vụ này cũng đánh dấu bước tiến mới của MB trong lộ trình chuyển đổi số hoạt động tài chính ngân hàng, cụ thể là số hóa sản phẩm dịch vụ dành cho khách hàng xuất nhập khẩu, tối ưu trải nghiệm của khách hàng.
Trước đó, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và tăng cao tính bảo mật, vào tháng 11/2021, “Mất tiền MB đền” là chương trình bảo vệ tài khoản và thẻ được MB triển khai trong bối cảnh các chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản và thẻ ngày càng gia tăng với hình thức tinh vi hơn. Ngoài ra, nhà băng này còn liên tục cập nhật tính năng eKYC giúp tối giản bước đăng ký, tăng tính bảo mật và nâng cao độ thuận tiện cho người dùng. Tương lai, MB cũng tính đến việc nâng cấp công nghệ để tiến trình chuyển tiền chỉ cần sử dụng giọng nói.
Theo ông Nguyễn Kim Anh – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, ngành ngân hàng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi sự chuyển đổi theo hướng số hóa tự động, cung ứng sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, lấy khách hàng làm trọng tâm, giúp các ngân hàng phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh.
Để thành công trong triển khai ứng dụng blockchain lĩnh vực ngân hàng, các bên tham gia, đặc biệt là các ngân hàng nên có kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống, đồng thời có chiến lược xây dựng đội ngũ nhân lực để theo kịp với tốc độ phát triển trong lĩnh vực này.
Tiến Vượng