Tổng giám đốc Lê Quốc Bình vừa cho biết doanh thu bình quân của các dự án BOT mà Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đang khai thác đạt khoảng 6,37 tỷ đồng một ngày. Ước tính trong một năm, mảng này có thể mang lại khoảng 2.325 tỷ đồng cho công ty. Con số trên đã gộp cả dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã bắt đầu thu phí hồi đầu tháng 8.
Nguồn thu khả quan từ các dự án BOT cũng được phản ánh rõ qua báo cáo tài chính quý III. Lũy kế 9 tháng, CII có hơn 3.890 tỷ đồng doanh thu, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu phí giao thông ghi nhận hơn 1.080 tỷ đồng, tăng gần 68% và đóng góp hơn một phần tư tổng doanh thu. Mảng này mang về khoảng 668 tỷ đồng lãi gộp cho CII.
Doanh nghiệp này ghi nhận gần 220 tỷ đồng doanh thu phát sinh từ giao dịch với Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. Như vậy, sau gần 2 tháng thu phí, dự án cao tốc trên mang về trung bình hơn 4 tỷ đồng doanh thu mỗi ngày cho CII. Trước đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) từng đánh giá dự án này có thể củng cố tình hình tài chính trung hạn của CII với tổng dòng tiền hàng năm đạt khoảng 1.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.
Theo ước tính hiện tại của công ty, sau khi hoàn thành việc khai thác hoàn vốn và được chuyển giao cho cơ quan Nhà nước, tổng doanh thu của tất cả dự án BOT đạt gần 65.281 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được CII ưu tiên thực hiện các khoản nộp ngân sách, duy tu sửa chữa các tuyến đường thuộc dự án BOT, chi trả các khoản phí quản lý thu, trả lãi vay ngân hàng, hoàn trả nợ gốc cho các tổ chức tín dụng – ngân hàng và hoàn vốn cho CII cùng các bên tham gia đầu tư.
Ngoài hoạt động thu phí giao thông, CII còn ghi nhận tăng trưởng tích cực ở mảng bất động sản. 9 tháng năm nay, kinh doanh địa ốc mang về hơn 2.372 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi cùng kỳ. Dẫu vậy lợi nhuận gộp mảng này chỉ hơn 500 tỷ đồng, thấp hơn BOT khoảng 25%.
Tổng lại, CII có hơn 852 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt gần 727 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chưa hoàn thành phân nửa kế hoạch doanh thu nhưng chỉ cách mục tiêu lãi ròng cả năm khoảng 4%.
Về tình hình vay và nợ thuê tài chính, doanh nghiệp này có tổng cộng hơn 15.300 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9. Chủ yếu CII vay ngân hàng và phát hành trái phiếu, trong đó có hơn 3.100 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả trong một năm.
Riêng các doanh nghiệp BOT, lãnh đạo CII cũng cho biết đến ngày 30/9, tổng nợ phải trả khoảng 11.567 tỷ đồng. Con số trên bao gồm khoản nợ 4.781 tỷ đồng tại dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Thời gian qua, lãi suất biến động mạnh, nhưng công ty cho biết không ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án BOT vì theo hợp đồng đã ký, lãi suất được tính cho dự án là mức lãi thực tế mà các doanh nghiệp dự án đang vay của các tổ chức tín dụng.
“Với dòng tiền thu phí ổn định, đều đặn và tăng trưởng qua mỗi năm, có thể thấy việc đảm bảo thanh toán các khoản nợ đến hạn cho các bên tài trợ cũng như việc thu hồi vốn đã đầu tư cho các dự án BOT hoàn toàn khả thi”, ông Bình nêu rõ.
Hồi cuối tháng 7, CII cũng công bố thanh toán đầy đủ nợ gốc trái phiếu trong năm nay và thanh toán trước hạn một phần các trái phiếu đến hạn vào năm sau. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp này đã thanh toán khoảng 350 tỷ đồng tiền lãi trái tức và 870 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu. Công ty mẹ CII cũng có kế hoạch thanh toán khoảng 2.800 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu dù chưa đến hạn. Trợ lực cho động thái này là nhờ hoạt động thu phí giao thông bước vào giai đoạn ổn định trở lại và dự án cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ bắt đầu vận hành khai thác.
Tất Đạt