Hôm 22/8, Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER) Mỹ công bố kết quả khảo sát cho thấy 72% nhà kinh tế học được hỏi ý kiến cho rằng cuộc suy thoái tiếp theo của Mỹ sẽ bắt đầu muộn nhất là giữa năm sau.
Trong đó, 19% cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đã suy thoái. 9% dự báo suy thoái từ quý III. 16% cho rằng việc này sẽ bắt đầu từ quý IV. 22% dự báo quý I/2023 và 6% nhận định thời điểm suy thoái sẽ là quý II năm sau.
“Kết quả khảo sát cho thấy các nhà kinh tế học vẫn chia rẽ quan điểm về vấn đề này”, Chủ tịch NBER David Altig cho biết, “Việc này cho thấy triển vọng hiện mù mờ hơn bình thường”.
Khảo sát được thực hiện đầu tháng này với 198 thành viên của NBER. NBER thành lập năm 1920, là một tổ chức nghiên cứu tư nhân dưới sự lãnh đạo của các nhà kinh tế hàng đầu tại Mỹ . Việc quyết định Mỹ đang suy thoái hay tăng trưởng từ lâu được coi là nhiệm vụ của tổ chức này.
Cuối tháng trước, số liệu ước tính sơ bộ được Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy GDP nước này giảm 0,9%
trong quý II. Quý trước đó, GDP Mỹ đã giảm 1,6% . Trên lý thuyết, một nền kinh tế sẽ được cho là suy thoái nếu tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.
Tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết trong một cuộc họp báo rằng vẫn có cách để kiểm soát lạm phát mà không châm ngòi suy thoái. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận con đường này đang ngày càng hẹp lại khi Fed buộc phải giảm lãi suất mạnh tay để ghìm giá cả.
Khoảng 73% nhà kinh tế học trong khảo sát của NBER cho rằng họ không tự tin Fed hạ được lạm phát về mục tiêu 2% mà không gây ra suy thoái trong vòng 2 năm tới. Chỉ khoảng 13% nhà kinh tế học tin rằng Fed làm được điều này.
Dù vậy, họ lại ủng hộ Đạo luật Giảm Lạm phát được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký tuần trước. Tỷ lệ ủng hộ lên tới 76%. Với hơn 300 tỷ USD đầu tư cho lĩnh vực khí hậu, đạo luật mới được xem là gói khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Ngoài ra, đạo luật cũng cho phép Medicare thương lượng giá thuốc thấp hơn cho người cao tuổi, cũng như đảm bảo các công ty và người giàu phải trả thêm thuế.
Hà Thu (theo CNN)