TRANG CHỦ / TÀI CHÍNH / Thị Trường Tài Chính / Giá thịt lợn đẩy CPI tháng 7 tăng

Giá thịt lợn đẩy CPI tháng 7 tăng

Thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/7. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng này tăng 3,14%.

Nguyên nhân đến từ giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhích theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.

Cụ thể, trong tháng này, giá thịt lợn tăng 4,29% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm. Tính đến 25/7, giá lợn hơi cả nước dao động 65.000-72.000 đồng một kg, tăng 3.000-10.000 đồng một kg so với tháng 6. Giá thịt chế biến tăng 1,73%, trong đó thịt quay, giò chả tăng 1,81%; thịt hộp tăng 1,02%; thịt chế biến khác tăng 0,49%.

Giá thịt gia cầm tăng 1,92% trong tháng này vì chi phí đầu vào và vận chuyển leo thang. Giá trứng các loại cũng có xu hướng đi lên vì đang vào mùa sản xuất bánh trung thu. Giá hải sản đã nhích thêm 0,69% do chi phí nhiên liệu.

Các thực phẩm khác như dầu ăn, chất béo, nước mắm, đường, rau củ cũng bị đẩy giá trong tháng 7. Tính chung, nhóm thực phẩm đã tăng 1,6% so với tháng trước.

Do lương thực, thực phẩm tăng giá cùng với tháng 7 là tháng du lịch cao điểm, nhóm ăn uống ngoài gia đình cũng bị kéo lên theo với mức tăng 1,28%.

Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông đã giảm mạnh 2,85% giúp CPI giảm 0,28%. Nguyên nhân chủ yếu nhờ 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng. Theo đó, giá xăng đã giảm 8,68% so với tháng trước, còn dầu diezen giảm 4,03%.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm, giá xăng dầu có 19 lần điều chỉnh (13 tăng, 6 giảm) tăng gần 50% là lý do khiến CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Mức này cao hơn mức tăng của 7 tháng đầu năm ngoái, còn lại đều thấp hơn giai đoạn 2017-2020.

Còn lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung. Điều này theo Tổng cục Thống kê phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Giá vàng trong nước tháng 7 biến động cùng chiều với giá kim loại quý thế giới. Đến 25/7, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.737,43 USD một ounce, giảm 5,52% so với tháng 6 do USD mạnh lên và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng vừa rồi giảm 2,39% so với tháng trước.

Đức Minh

About adminreesso

Sản phẩm tương tự

‘Lúng túng khi xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế TP HCM’

Việc xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế từng được đề …

Contact Me on Zalo
P.KINH DOANH DỰ ÁN